“Trải qua 20 năm phát triển, Tập đoàn ITL đã xây dựng được nền tảng vững chắc cả về tài chinh, cơ sở vật chất và hệ thống nhân sự và đạt được vị thế hàng đầu trong ngành Logistics, những tác động và thay đổi của thị trường được chúng tôi đón nhận một cách tích cực và nhìn nhận như là động lực thúc đẩy ITL thay đổi và phát triển hơn nữa.”
1.Ông có thể chia sẻ một chút về chiến lược đầu tư của Tập đoàn ITL trong giai đoạn hiện nay được không?
Tập đoàn ITL đã bắt đầu chiến lược đầu tư M&A từ năm 2015. Trải qua 5 năm, ITL đã đạt được những thành công nhất định và tạo ra sự chuyển mình rất rõ nét từ một công ty thuần dịch vụ và ít đầu tư vào tài sản cố định (asset-light) trở thành một công ty có nền tảng tài sản cố định khá hùng hậu như cảng biển, cảng sông, cảng nội địa (ICD), bất động sản…và hệ thống các công ty con với thương hiệu và hoạt động lâu năm. Hiện nay, ITL vinh dự được xếp vào danh sách các công ty ở nhóm đầu trong ngành Logistics tại Việt Nam với nền tảng tài sản và hệ thống hoạt động của mình.
Chiến lược đầu tư M&A của ITL trong giai đoạn này vẫn là tập trung vào các công ty trong lĩnh vực Logistics có nền tảng tài sản là cảng, kho, bãi, ICD hoặc có hệ thống phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn. Cụ thể hơn, ITL sẽ không đầu tư vào thị trường tài chính, mua đi bán lại ngắn hạn cũng như không đầu tư vào các công ty cùng lĩnh vực Logistics nhưng không có nền tảng tài sản hay hệ thống vận hành mạnh, chẳng hạn như các công ty mới thành lập (start-ups).
Sắp tới thì ITL sẽ tập trung nhiều hơn vào tái cấu trúc lại các khoản đầu tư đã thực hiện trong những năm qua. Cụ thể, chúng tôi sẽ đầu tư thêm vào các bộ phận kinh doanh còn đang thiếu hoặc yếu của toàn hệ thống ITL bên cạnh là việc thoái bớt vốn ở các bộ phận kinh doanh không mang lại hiệu quả hoặc không còn phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn.
2. Có thông tin dự kiến năm 2020, ITL sẽ có một khoản đầu tư 70 triệu USD, những hạng mục nào sẽ được ITL quan tâm trong kế hoạch đầu tư này, thưa ông?
Thông tin mà chúng tôi rất vui khi được chia sẻ đến tất cả các bạn, đó là việc ITL đang sắp hoàn tất việc huy động vốn đầu tư trị giá 70 triệu USD từ các định chế tài chính lớn trong năm 2020.
Đây là một thông tin rất tích cực vì mặc dù thị trường đang có những thay đổi mang tính lịch sử nhưng ITL vẫn có thể huy động được số vốn tiền đầu tư giá trị lớn như thế này. Phần lớn số tiền này sẽ được Tập đoàn ITL dùng để hoàn tất một giao dịch lớn mà trong chiến lược phát triển của mình, Tập đoàn ITL đã triển khai đầu tư từ 5 năm qua. Giao dịch này ITL cần mẫn theo đuổi và hy vọng là trong vài tháng tới chúng tôi sẽ hoàn tất.
Việc đầu tư này sẽ cải thiện đáng kể hệ thống tài sản của Tập đoàn ITL, cho phép chúng tôi sở hữu hệ thống về cảng biển, cảng sông, hệ thống sà lan thủy nội địa, ICD, kho bãi và cho phép ITL bắt đầu chiến lược thương hiệu kép (dual – brand) một cách nhanh nhất vì đã sở hữu được các thương hiệu và hệ thống vận hành mạnh đã được xây dựng từ những năm 70.
Khoản đầu tư này sẽ là mảnh ghép và nền tảng quan trọng trong định hướng xây dựng ITL thành National Champion mà tất cả chúng tôi đã cam kết và đang từng bước tiến tới.
3. Trong chiến lược đầu tư của mình, Tập đoàn ITL đối phó với các rào cản và thay đổi của thị trường như thế nào, thưa ông? Những tác động của dịch COVID-19 đến thị trường có ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của ITL không?
Logistics là một ngành rất trọng yếu đối với sự phát triển của đất nước và khu vực, còn rất nhiều dư địa để phát triển, tốc độ phát triển hàng năm đều rất cao. Có nhiều ngành khác, rào cản và thay đổi còn khủng khiếp hơn nhiều mà ngành đó lại không phát triển hoặc lại đang thoái trào. Trải qua 20 năm phát triển, Tập đoàn ITL đã xây dựng được nền tảng vững chắc cả về tài chinh, cơ sở vật chất và hệ thống nhân sự, và đạt được vị thế hàng đầu trong ngành Logistics, những tác động và thay đổi của thị trường được chúng tôi đón nhận một cách tích cực và nhìn nhận như là động lực thúc đẩy ITL thay đổi và phát triển hơn nữa.
Hiện nay, trong ngành Logistics có khoảng 3.000 – 5.000 doanh nghiệp nội địa nhỏ và rất nhỏ, nên xu hướng hợp nhất (consolidation, M&A) các công ty trong ngành sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Vì vậy, ITL cần rất tập trung và kỷ luật trong chiến lược đầu tư của mình và không dàn trải: Tập trung đầu tư vào các công ty trong ngành có tài sản phù hợp với định hướng phát triển của ITL và có hệ thống hoạt động mà ITL có thể cải thiện và nâng cao hiệu quả trong tổng thể danh mục sản phẩm của ITL. Một vấn đề quan trọng nữa là ITL cần nâng cao nền tảng tài sản, các cảng, vị trí Logistics trọng yếu… thông qua hoạt động đầu tư để duy trì vị trí dẫn đầu của mình trong chuỗi Logistics, cạnh tranh với các công ty hậu cần lớn trên thế giới.
Đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chính sách đầu tư của ITL trong tương lai theo chiều hướng là chúng tôi sẽ tập trung hơn để khai thác các công ty mà ITL đã đầu tư, quản lý chi phí tốt hơn và quyết liệt hơn trong việc kiểm soát các khoản vay nợ cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động hệ thống vận hành. Và chúng tôi cần làm một cách tập trung và quyết liệt hơn nữa.