Tổng nguồn cung nhà kho 4 tỉnh phía Nam vọt lên trên 3 triệu m2, phía Bắc cũng tăng trưởng với hơn 880.000 m2 kho vận.
Báo cáo mới nhất của JLL về bất động sản hậu cần cho biết thị trường kho vận (bất động sản logistic) Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ trong 12 tháng qua. Diễn biến cho thấy các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thị phần nhà kho và không ngừng thúc đẩy nguồn cung tăng cao kỷ lục, bất chấp tác động Covid-19.
Tính đến tháng 12/2020, tổng nguồn cung nhà kho tại Long An, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt ngưỡng trên 3 triệu m2 sàn, trong đó Bình Dương dẫn đầu với gần 1,4 triệu m2 kho vận cung cấp cho thị trường bất động sản hậu cần. TP HCM và Đồng Nai lần lượt đưa ra thị trường 600-800 nghìn m2 nhà kho. Long An có nguồn cung kho vận ít nhất trong top 4 các tỉnh phía Nam nhưng cũng đã sớm xuất hiện hàng trăm nghìn m2 nhà kho phục vụ thị trường tập kết và trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây.
Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc tăng trưởng khiêm tốn hơn thủ phủ công nghiệp phía Nam với tổng nguồn cung đạt 880 nghìn m2 kho vận xuất hiện tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Nguyên nhân của làn sóng bùng nổ loại hình bất động sản kho vận theo JLL là do nhân khẩu học của Việt Nam có đặc thù dân số trẻ, đô thị hóa cao và đặc biệt là sự bứt phá của thương mại điện tử cũng là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần.
Thông thường, các công ty thương mại điện tử sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này phần lớn là do phạm vi sản phẩm phong phú hơn, mức tồn kho lớn hơn, yêu cầu về không gian vận chuyển ra nước ngoài lớn hơn và nhu cầu hậu cần hai chiều (quy trình đổi trả hàng).
Thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ tại châu Á Thái Bình Dương so với 14% trên toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Doanh thu từ mảng thương mại điện tử ước tính đạt 4,07 tỷ USD năm 2015, tăng lên 6,2 tỷ USD năm 2017. Đến năm 2020, thị trường dự kiến đạt khoảng 13 tỷ USD, gấp đôi mức năm 2017.
Với các yêu cầu cải thiện và rút ngắn tốc độ giao hàng nhằm phục vụ người tiêu dùng nhanh nhất, các nhà bán lẻ trực tuyến lớn hướng tới cung cấp các tùy chọn giao hàng trong ngày. Từ đó kéo theo làn sóng mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng. Để đi trước xu hướng, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cần phải đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Các chiến lược giao hàng chặng cuối (last-mile) thành công sẽ cần các giải pháp sáng tạo, quy trình hiện đại, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ mới nhất
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam JLL cho biết, Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới là động lực rất lớn khiến thị trường kho vận bùng nổ. Khách thuê nhà kho đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ và quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân, để chuyển đến các kho hiện đại, ở vị trí tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất các hoạt động logistics vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng đang nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí logistics tổng thể cho khách thuê. Tăng trưởng trong các ngành khác cũng sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường hậu cần 3 bên, bao gồm tăng trưởng trong ngành thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như các ngành thiết bị văn phòng và công nghệ.’
Chuyên gia này dự đoán kho lạnh sẽ trở thành một ngôi sao trong lĩnh vực hậu cần tương lai. Các nhà đầu tư đã quan tâm đến ngành lưu trữ lạnh từ lâu, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng đặt mua hàng hóa trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, đòi hỏi nhiều kho lạnh gần khách hàng hơn. Đã có sự gia tăng đột biến trong các yêu cầu hậu cần ngắn hạn liên quan trực tiếp đến tác động tức thời của đại dịch, đặc biệt là cho nhu cầu mua hàng trực tuyến và hỗ trợ các dịch vụ y tế quan trọng.
Một ví dụ cho dịch vụ y tế đó chính là quá trình lưu chuyển và bảo quản vaccine Covid-19 mới, nếu được đưa vào chương trình tiêm chủng rộng rãi, sẽ trở thành nhu cầu cấp bách cho mọi quốc gia. Vì loại hàng hóa đặc biệt này yêu cầu nhiệt độ rất thấp để duy trì hiệu quả, bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vaccine có thể là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tiếp theo cho chuỗi cung ứng và ngành hậu cần.
Tuy nhiên, bà Trang nhận định, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, ngành hậu cầu Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần thêm nhiều cải tiến đáng kể. Hiện chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.